Sau thời gian tăng mạnh, hiện giá cá sấu thương phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long đã chạm đáy khiến hàng nghìn hộ nuôi đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Huyện U Minh, tỉnh Cà Mau được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi cá sấu thương thẩm. Vài năm trước, nhiều người trở nên giàu có nhờ trúng giá cá sấu khiến hàng trăm hộ khác cũng bỏ tiền xây chuồng trại, phát triển nghề. Nhưng ở thời điểm hiện tại giá cá sấu đang xuống, nhiều đàn cá tới lứa bán mà không có thương lái thu mua.
Những ngày này, ông Lê Văn Hai ở xã Khánh Hòa, huyện U Minh đau đầu vì đàn cá sấu 40 con đã tới ngày xuất chuồng, nhưng không có nơi tiêu thụ. “Bằng thời điểm này năm trước, mỗi kg cá sấu có giá từ 250.000 đến 280.000 đồng một kg, nhưng hiện tại giá rớt xuống chỉ còn khoảng 100.000 đồng mà không có người mua”, ông Hai than.
Không có đầu ra, nông dân phải tốn thêm chi phí thức ăn hàng ngày.
Cũng như gia đình ông Hai, nhiều hộ dân nuôi cá sấu ở huyện U Minh đang lo lắng vì phải chịu tốn thêm tiền thức ăn, tiền điện nước vệ sinh chuồng trại… hàng ngày. “Bây giờ mà có bán được cá thì cũng lỗ là cái chắc, bởi cá sấu giống thời điểm nửa năm trước giá 600.000 đồng một con, cộng với tiền đầu tư cả một năm, nhưng hiện cá loại 10 kg mỗi con bán chưa đầy một triệu đồng, hỏi sao không lỗ”, nông dân Nguyễn Văn Kẻn nhẩm tính.
Gia đình ông Kẻn từng trúng đậm vụ cá sấu ở năm trước, thu về hàng trăm triệu đồng. Thấy ông Kẻn giàu lên từ nghề này, nhiều hộ dân trong xã cũng làm theo, nhưng hiện tại ai cũng như đang ngồi trên đống lửa. “Tiền xây chuồng trại tốn hơn 30 triệu đồng, cộng với tiền đầu tư con giống, thức ăn… cũng mất hết gần 100 triệu, nhưng giờ nếu bán hết đàn cá 20 con chỉ thu được khoảng 20 triệu đồng”, ông Trần Văn Của buồn bã nói.
Theo chính quyền địa phương, hiện có hàng trăm hộ dân trên địa bàn đầu tư vào nghề nuôi cá sấu, với tổng đàn hàng nghìn con, nhưng hiện tại tất cả đều đang cầm cự chờ giá mong kiếm chút lời.
Ngành nông nghiệp một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, đây không phải là lần đầu tiên người nuôi cá sấu lo âu vì giá cá thương phẩm giảm. Vài năm trước, ở Cà Mau hàng nghìn nông dân cũng có giấc mơ đổi đời từ nghề nuôi cá sấu nhưng đã thất bại. Sau một thời gian nuôi, cá sấu bị chết hàng loạt hoặc tắc đầu ra khiến họ trắng tay.
Theo các hộ nuôi, giá cá sấu giống ở thời điểm này năm trước ở mức từ 550.000 – 600.000 đồng một con, nhưng nay cá sấu thương phẩm rớt giá khiến thị trường cá giống cũng giảm mạnh, hiện còn khoảng 280.000 đồng một con giống.
Theo ngành chức năng, việc người dân đầu tư mạnh vào mô hình nuôi cá sấu, mà không cần quan tâm đến đầu ra cho sản phẩm là vấn đề hết sức đáng lo ngại. “Muốn xuất khẩu cá sấu, người nuôi phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, đúng tiêu chuẩn, đúng thế hệ F2 và có hạn ngạch… Hiện tại cá sấu đều xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Người dân đồng loạt nuôi theo kiểu tự phát, không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên đến thời điểm thu hoạch rất khó bán khi thương lái trở kèo ngưng mua”, ông Đỗ Văn Đồng – Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Cà Mau phân tích.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu thì cho biết, hiện địa phương này phát triển mạnh nghề nuôi cá sấu. Theo dự kiến tỉnh sẽ phát triển lên đến 500.000 con, tập trung chủ yếu ở huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Phước Long và TP Bạc Liêu.
Còn tại Cà Mau, hiện có hơn 200 hộ dân trong tỉnh đăng ký mở trang trại nuôi cá sấu, với số lượng hơn 4.000 con. Tuy nhiên trên thực tế con số này còn lớn hơn nhiều, do người dân nuôi tự phát không khai báo.
Phúc Hưng