Như một khách hàng trong cuộc điều tra thị trường tại UAE đã nói “ khi bạn mua một thứ chất lượng cao, bạn sẽ cảm thấy sự khác biệt. Đó là khi bạn cầm sản phẩm, cảm nhận về vật liệu, cảm nhận về sự hoàn hảo đến những chi tiết nhỏ nhất…”
Giới trẻ ngày càng mê dùng hàng hiệu. Vài năm gần đây, nhu cầu sử dụng quần áo, mỹ phẩm, túi xách da, giày da... cao cấp của người dân ngày một tăng cao. Kéo theo nó là sự phát triển của các cửa hàng kinh doanh đồ hiệu.
Những người có điều kiện coi việc sử dụng hàng hiệu chính là nghệ thuật tiêu dùng. Ngược lại, có những người dù không giàu nhưng luôn đề cao quần áo, phụ kiện phải là hàng hiệu (hoặc nhái hàng hiệu) để được người khác trầm trồ “đẳng cấp”, thì lúc đó họ đang bị chính món đồ đó sở hữu lại mình.
Việc người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sử dụng hàng hiệu đã chứng tỏ mức sống của người dân ngày một nâng cao. Và rất có thể trong vòng 5-7 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một thị trường đầy tiềm năng để kinh doanh hàng hiệu.
Ngoài giá trị thương hiệu, ý nghĩa thời trang, mỗi món đồ hàng hiệu còn là một sản phẩm có chất lượng cao gấp nhiều lần so với các sản phẩm cùng loại, chứng tỏ sự sang trọng, lịch lãm và hiểu biết của chủ nhân.
Đồ hiệu = đẳng cấp + hiểu biết
“Không phải ai cũng hiểu một chiếc túi xách da cá sấu không chỉ là một thương hiệu nổi tiếng mà còn là một sản phẩm thủ công được làm hết sức cầu kỳ và nhiều người mua nó không phải để người khác nhìn vào mà đơn giản vì họ trân trọng những sản phẩm”.
Đây không phải là tâm sự của một quý bà thành đạt nào đó mà của anh Hoàng Hải, người đã có nhiều năm du học tại Vương quốc Anh và hiểu về các thương hiệu quốc tế, hiện quản lý một chuỗi công ty đa ngành.
Theo anh Hải, sử dụng đồ hiệu thế nào là cả một quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng, tích luỹ kiến thức cũng như khả năng tài chính của những ai thực sự yêu thích, để không trở nên khoe mẽ, phô trương một cách kệch cỡm.
Tiếp xúc với những người thành đạt, am hiểu rõ từng thương hiệu, người viết ghi nhận họ có chung quan điểm rằng: Đừng bao giờ trở thành nô lệ của hàng hiệu. Tín đồ hàng hiệu cần phải tỉnh táo, biết mình mua vì mục đích gì, sử dụng khi nào, ở đâu để vừa thoả mãn sở thích, vừa phù hợp với khả năng tài chính, đảm bảo tính ứng dụng cao cũng như thể hiện được nền tảng văn hoá của mình.
3 động cơ – tự khẳng định mình, khác biệt hóa phong cách, và yêu chuộng chất lượng hoàn hảo.
Đối với rất nhiều người, ba động cơ trên chính là lý do khiến họ hâm mộ và muốn sử dụng hàng hiệu. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng ba động cơ này không hoàn toàn độc lập với nhau. Khái niệm về sự nổi trội luôn tồn tại đối với những thương hiệu hàng hiệu. Tuy nhiên, từ quan điểm khách hàng, định nghĩa về sự nổi trội nên được hiểu trong sự tiến hóa. Tại giai đoạn sơ khai, có khả năng tài chính để sở hữu một món hàng hiệu được ngưỡng mộ và mơ ước bởi nhiều người chính là sự nổi trội. Nó có nghĩa là người ta mua hàng hiệu là để khẳng định bản thân trước mọi người. Khi khách hàng ngày càng trở nên tinh tế và có nhiều người khác gia nhập nhóm nổi trội đó, việc sở hữu một món hàng mắc tiền không còn đủ để làm họ thỏa mãn.
Nhu cầu mới phát sinh là phải “khác biệt” hơn nữa để khẳng định vị thế xã hội, để nổi trội hơn nữa trong nhóm những người nổi trội. Cách thức để tìm sự nổi trội bây giờ có thể là mua những sản phẩm có số lượng sản xuất hạn chế hoặc sản phấm với công năng hoặc chất liệu đặc biệt, kỹ thuật tinh xảo; hoặc cũng có thể tìm những thương hiệu đặc trưng hay danh tiếng lâu đời. Những người muốn khác biệt hóa cũng kỹ tính hơn trong việc chọn các thương hiệu hàng hiệu. Họ thường chọn những thương hiệu hàng hiệu không phổ biến, có lý do cụ thể cho sự chọn lựa của mình và đôi khi họ thích gắn bó với những thương hiệu chuyên nghiệp
Trong khi sự ngưỡng mộ sản phẩm có chất lượng tuyệt hảo là không cần bàn cãi, nó không phải là tính chất độc lập. Nói đơn giản là người ta mua hàng hiệu không phải chỉ để khẳng định bản thân hoặc để khác biệt hóa mà không tính đến vẻ đẹp và sự hoàn hảo của sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có một số người mua hàng hiệu không phải các lý do liên quan tới người khác mà đơn giản vì họ thích các tính năng của sản phẩm hay đơn giản vì yêu thích thương hiệu đó.
Tóm lại là dù vì mục đích thể hiện bản thân, khác biệt hóa, hay yêu thích sự hoàn hảo của sản phẩm, những câu chuyện và hào quan xung quanh các thương hiệu hàng hiệu chính là thứ khiến chúng được ngưỡng mộ.
Đẳng cấp… nhái
Thực tế đang tồn tại xu hướng nhìn và đánh giá con người qua vẻ bề ngoài. Một người sử dụng đồ càng đắt tiền thì càng được coi là sành điệu, chịu chơi. Chính những suy nghĩ như vậy đã khiến nhiều bạn trẻ đang gồng mình lao vào cuộc đua hàng hiệu bằng cách đi thuê hoặc mua đồ nhái, đồ rởm để chứng tỏ mình thuộc về mảnh đất mang tên “đẳng cấp”, tự tạo ảo giác phù du về sự sang trọng của chính mình.
Cũng có một số người nghĩ rằng bằng cách sử dụng các thương hiệu xa xỉ giống, họ sẽ nhận được sự tôn trọng và giành được những cơ hội "làm ăn" từ đối tác. Vì thế, họ phải “gồng” lên với những món đồ trên người mà quên đi mất tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm, uy tín mới là thứ đối tác của họ cần.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những người thích khoe mẽ bằng đồ rởm là những người có phần “rởm đời” trong tính cách, lối sống. Nếu có tiền thì hãy mua hẳn hàng hiệu mà dùng, còn nếu chưa đủ tiền thì cứ dùng hàng bình thường cho phù hợp với cuộc sống của mình, ý kiến này đã nhận được nhiều đồng tình của những tín đồ hàng hiệu.
Hàng hiệu là sản phẩm của công nghệ cao, của sự chế tác tinh xảo, bản thân chúng đã vượt qua vị trí là một món hàng tiêu dùng bình thường, tạo nên sức hút khó cưỡng với nhiều người. Nhưng quần áo, đồng hồ, điện thoại, túi xách, thắt lưng và thậm chí là ô tô, xe máy... hàng hiệu vẫn sẽ lỗi mốt và bị thay thế, nhưng “đẳng cấp” về trí tuệ, nhân cách mới là điều các bạn trẻ nên bồi đắp và hướng tới.