Xưởng chế tác Fukui Kutsukigata tọa lạc trên một con phố buôn bán tại phía Bắc thành phố Tokyo, và là một trong những xưởng chế tác tương đối lâu năm còn hoạt động tại Nhật Bản. Tuy nhiên, nhân công cùng máy móc tại đây đang thực hiện những đơn đặt hàng cuối cùng của các hãng sản xuất giày, trước khi đóng cửa hoàn toàn trong vài tháng tới.
Sản phẩm chính của xưởng Fukui Kutsukigata là những chiếc khuôn gỗ theo form bàn chân dùng để làm giày da, vốn được các hãng giày đánh giá cao bởi độ chính xác trên từng sản phẩm. Thời kỳ thịnh vượng nhất của xưởng, họ sản xuất hơn 100.000 chiếc khuôn gỗ mỗi năm. Từ những chiếc khuôn của xưởng, nhiều đôi giày cho những vận động viên nổi tiếng như Ryo Ishikawa hay Keiichiro Fukabori đã thành hình.
Tuy nhiên vài năm trở lại đây, các hãng sản xuất giày dần chuyển sang dùng mẫu khuôn mới được sản xuất bằng công nghệ in 3D, do chúng có độ chính xác cao mà giá thành lại thấp hơn rất nhiều. Vì lý do đó, những đơn hàng của xưởng Fukui Kutsukigata ngày một ít dần. Cuối cùng, chủ tịch Fukui Toshimi, nay đã 88 tuổi, đã đưa ra quyết định đóng cửa xưởng chế tác sau hơn 100 năm hoạt động.
Theo lời kể của ông Toshimi, xưởng chế tác này do cha ông, ông Fukui Chibanosuke thành lập vào năm 1917. Khi đó, Nhật đang trong giai đoạn mở cửa đón nhận văn hóa Tây phương, những bộ đồ kiểu Âu - trong đó có cả giày da - đang rất được ưa chuộng. Chính vì vậy, xưởng chế tác được thành lập để đáp ứng nhu cầu về khuôn giày của thị trường.
Ban đầu xưởng chế tác được đặt tại Asakusa, Tokyo, tuy nhiên nó đã bị phá hủy trong cuộc đánh bom thành phố vào tháng 3 năm 1945. Tuy nhiên chỉ ít lâu sau đó, xưởng Fukui Kutsukigata đã tìm được một địa điểm mới tại Adachi, phia Bắc Tokyo. Đây cũng là địa chỉ của xưởng chế tác cho tới tận bây giờ.
Thời kỳ hậu chiến tranh, những đôi giày cao gót trở thành mốt của những người phụ nữ Nhật Bản, mang lại một nguồn thu ổn định cho xưởng chế tác với một lượng lớn những chiếc khuôn giày cao gót được đặt hàng. Tuy nhiên, nó vẫn chẳng là gì so với thời kỳ thịnh vượng nhất của xưởng Fukui Kutsukigata vào khoảng giữa thập niên 90, thời điểm mà những đôi giày đế dày theo phong cách nữ ca sĩ Amuro Namie đang làm mưa làm gió. Để bắt kịp xu xướng, những xưởng sản xuất giày cũng ra đủ các mẫu giày với kiểu dáng khác nhau, dẫn đến nhu cầu về khuôn giày trong thời điểm này cũng tăng vọt. Cũng nhờ vậy mà doanh thu của xưởng chế tác Fukui Kutsukigata khi ấy lên đến 500 triệu yên mỗi năm.
"Khi ấy, chúng tôi làm việc quá giờ như cơm bữa," ông Fukui Toshimi bồi hồi nhớ lại.
Không giống với những chiếc khuôn giày làm từ nhựa dẻo ngày nay, những chiếc khuôn của xưởng chế tác Fukui Kutsukigata được khắc thủ công từ gỗ bởi những nghệ nhân của xưởng. Việc đào tạo được những nghệ nhân như vậy rất tốn thời gian, nhưng đó cũng chính là đường hướng phát triển mà ông Toshimi lựa chọn kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1980. Ông tin rằng chính những người thợ thủ công tay nghề cao sẽ là chìa khóa dẫn đến thành công của xưởng trong tương lai.
Kết quả là lòng tin của ông Toshimi đã đặt đúng chỗ, khi mà nhờ việc tập trung đào tạo tay nghề cho những người thợ của xưởng, ông đã có trong tay cả một đội ngũ nghệ nhân để có thể đáp ứng được nhu cầu của cả những khách hàng khó tính nhất. Những hãng sản xuất giày danh tiếng luôn tìm đến Fukui Kutsukigata để làm khuôn cho những đôi giày dành riêng cho các vận động viên đỉnh cấp.
Nhưng đến vài năm trở lại đây, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn.
Với sự phát triển của công nghệ in 3D, người ta giờ đây có thể dễ dàng tạo ra những chiếc khuôn giày với độ chính xác rất cao, trong khi giá lại rẻ hơn rất nhiều so với những chiếc khuôn giày thủ công bằng gỗ do xưởng Fukui Kutsukigata sản xuất. Thời thế đổi thay, xưởng chế tác cũng dần chìm trong những khoản nợ.
Cuối cùng, khi đứa cháu ruột của ông Fukui Toshimi tỏ ý không muốn nối nghiệp gia đình vì cảm thấy xưởng chế tác không có tương lai, ông Toshimi đã đưa ra quyết định sẽ đóng cửa xưởng chế tác hơn 100 năm tuổi này.
"Bán phần đất của xưởng chế tác đi rồi, tôi sẽ có đủ tiền để trả nợ," ông Toshimi trả lời trong một cuộc phỏng vấn. "Cũng đã đến lúc tôi phải làm chuyện này rồi."
Bản thân ông Toshimi đã tìm được người sẵn lòng mua lại phần đất của xưởng chế tác để xây một khu nhà ở, và hai bên vẫn đang trong quá trình đàm phán giá cả.
"Tôi sẽ rất nhớ xưởng chế tác Fukui Kutsukigata, nhưng biết làm sao được. Thời thế đổi thay rồi."
Tham khảo Nikkei